Trốn tránh đóng thuế kinh doanh thương mại điện tử có nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Bên cạnh ý thức tuân thủ quy định nộp thuế còn chưa cao, nhiều nhà bán hàng online vẫn chưa nắm rõ quy định của nhà nước để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng thuế…
Tọa đàm “Kiểm soát rủi ro về thuế khi kinh doanh thương mại điện tử” do Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) đã phối hợp với Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) và Công ty Cổ phần MISA (MISA) tổ chức ngày 2/8 nhằm mục đích nâng cao kiến thức cho các đơn vị, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh thương mại điện tử trong vấn đề đóng thuế.
TRUY THU VI PHẠM THUẾ KINH DOANH THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ LIÊN TỤC GIA TĂNG
Ghi nhận số liệu từ Tổng Cục thuế, tổng số thuế thu được từ thương mại điện từ gia tăng liên qua các năm, năm 2022 đạt 83 000 tỷ đồng, năm 2023 đạt 97 000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, qua tăng cường thanh tra, trong 3 năm 2021 – 2023, Tổng Cục thuế đã xử lý 22 159 trường hợp vi phạm nộp thuế, giúp truy thu thuế tăng thêm gần 3000 tỷ đồng.
Trong những năm gần đây, Tổng Cục thuế đã quyết liệt chỉ đạo cục thuế các tỉnh thành phố tăng cường quản lý thuế, thanh tra kiểm tra các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện rà soát 7.134 doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh thương mại điện tử kê khai, nộp thuế được 1.298 tỷ đồng; xử lý truy thu, xử phạt 1.318 trường hợp, với tổng số tiền hơn 72 tỷ đồng.
Còn theo báo cáo của Cục Thuế Hà Nội, tổng số thuế của 418 sàn thương thương mại điện tử, website bán hàng thương mại điện tử tại Hà Nội đã nộp 5 tháng đầu năm 2024 vào ngân sách nhà nước là 2.547 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong năm 2023, thông qua tăng cường công tác quản lý thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài, Tổng cục thuế đã thu về 8.096 tỷ đồng từ vào ngân sách nhà nước. Đến cuối tháng 4/2024, 94 nhà cung cấp nước ngoài đã kê khai, nộp thuế với số thuế là trên 14,5 nghìn tỷ đồng.
Khi quy mô thị trường thương mại điện tử ngày càng mở rộng cùng nỗ lực hoàn thiện thể chế quản lý thu thuế, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư Vấn Thuế Việt Nam dự đoán tổng số thuế thu được từ các nhà bán hàng kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử năm nay sẽ đạt ít nhất 120 tỷ đồng.
TỔNG CỤC THUẾ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ THUẾ ĐỐI VỚI KINH DOANH THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Nhằm chống thất thu thuế và đảm bảo sự công bằng cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử trong thực hiện nghĩa vụ về thuế, Tổng Cục thuế đang nghiên cứu đề xuất tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.
Theo đó, Tổng Cục thuế đề xuất thu thuế giá trị gia tăng tại nguồn đối với các giao dịch thương mại điện tử: tách trừ trực tiếp thuế giá trị gia tăng trên dòng tiền thanh toán và chuyển về tài khoản chuyên thu của cơ quan thuế mở tại kho bạc, phần còn lại chuyển cho người bán.
Bên cạnh đó, Tổng Cục thuế sẽ tiếp tục nâng cấp hạ tầng hệ thống quản lý thuế nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế; Triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, trong đó tập trung đối với nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam;…
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư Vấn Thuế Việt Nam, trường hợp các tổ chức/cá nhân đã kinh doanh thương mại điện tử thời gian trước mà chưa nộp thuế, trong khi các cơ quan thuế chưa phát hiện truy thu nên tự giác liên hệ với chi cục thuế nơi mình cư trú (tạm trú, thường trú) để nộp thuế và tự tính tiền chậm nộp 0,03% tính trên số tiền thuế phải nộp và số ngày chậm nộp.
Trong trường hợp cơ quan thuế phát hiện các nhà bán hàng không kê khai thuế, số tiền thuế lớn, ngoài xử lý hành vi vi phạm, truy thu, phạt tiền thuế, các cá nhân/tổ chức còn có nguy bị truy cứu trách nhiệm hình sự trước pháp luật.
Gần 200 câu hỏi liên quan đến nghĩa vụ đóng thuế được ghi nhận tại tọa đàm cho thấy các nhà bán hàng còn gặp nhiều khó khăn trong việc kê khai, hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế đối với nhà nước.
Vì vậy, theo các chuyên gia, các cá nhân/tổ chức kinh doanh thương mại điện tử nên tham khảo ý kiến chuyên gia hoặc sử dụng các giải pháp công nghệ chẳng hạn như các giải pháp đồng bộ hoạt động kinh doanh với khai báo thuế của MISA nhằm dễ dàng tuân thủ pháp luật và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Nghĩa vụ đóng thuế trong kinh doanh thương mại điện tử không chỉ là trách nhiệm pháp lý mà còn tạo ra môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch. Do đó, các doanh nghiệp cần nhận thức rõ ràng về trách nhiệm của mình, chủ động cập nhật thông tin và thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ thuế, góp phần xây dựng thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam phát triển bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh.
Trích từ nguồn: Vneconomy.vn